Rừng đặc dụng – Cho phép cấp tỉnh tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, khác gì “thả phanh” cho doanh nghiệp tàn phá rừng

Rừng đặc dụng – Cho phép cấp tỉnh tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, khác gì “thả phanh” cho doanh nghiệp tàn phá rừng

Tháng 5/2022, Dự án Luật Đất Đai sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu, và trong những ngày gần đây, vấn đề CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT, đặc biệt là đất rừng đặc dụng, đang gây tranh cãi.

VnExpress cho biết:

“Chiều 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia.

Bên cạnh đề xuất cấp tỉnh được chuyển đất rừng đặc dụng làm dự án, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trưởng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai về điều kiện giao đất.”

Cụ thể, điểm a, khoản 1 Điều 58 quy định như sau:

Điều 58: 1/Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: 1a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.

Đây là một trong các thủ tục quan trọng để các chuyên gia cấp trung ương xem xét mức độ cần thiết của quá trình chuyển đổi sử dụng đất, trong đó có RỪNG ĐẶC DỤNG. Việc bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai, sẽ cắt bỏ quá trình xem xét này, tăng tốc thời gian phê duyệt và khởi công dự án, đồng nghĩa với việc những cánh rừng đặc dụng nhanh chóng bị hủy hoại.

Tìm hiểu thêm về Chiến dịch giám sát hoạt động bảo tồn thiên nhiên tại VQG Bến En, yêu cầu UBND Tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn Sun Group hoãn triển khai Đề án Khu du lịch sinh thái Bến En: Keep Bến En – Bảo tồn Bến En (keepbenen.help)

Ký tên yêu cầu hoãn triển khai Đề án Khu du lịch sinh thái Bến En: ĐÓNG GÓP CHỮ KÝ – Bảo tồn Bến En (keepbenen.help)

Rừng đặc dụng là gì?

Những cánh rừng bị chặt hạ để phục vụ cho phát triển kinh tế là một quang cảnh hoang tàn mà trong nhiều thập kỷ nay loài người phải đối mặt. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị tàn phá… ẩn chứa nhiều hiểm họa mà đến nay nhiều chính quyền và doanh nghiệp, cũng như người dân chưa thực sự quan tâm, và RỪNG luôn là vấn đề được quan tâm nhất, bởi RỪNG là lá phổi của Trái Đất.

Trong văn bản pháp luật liên quan đến các vấn đề môi trường, “rừng đặc dụng” là thuật ngữ gọi các loại rừng “được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen thực vật, động vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi du lịch. Bao gồm: khu bảo tồn thiên nhiên; vườn quốc gia; rừng văn hóa xã hội; nghiên cứu thí nghiệm.” (Theo Thư viện pháp luật)

Rừng đặc dụng bao gồm các loại rừng sau:

  • Vườn quốc gia: Đây là khu vực đất rừng được hình thành để bảo vệ một hoặc nhiều hệ sinh thái, có thể là rừng nguyên sinh hoặc rừng tái tạo.
  • Khu bảo tồn thiên nhiên: Còn được gọi với tên là khu bảo toàn loài sinh cảnh và khu dự trữ tự nhiên. Đây là vùng rừng tự nhiên được thành lập với mục đích bảo vệ diễn thế tự nhiên.
  • Khu rừng văn hóa – lịch sử – môi trường: Đây là khu vực có một hoặc nhiều cảnh quan mang giá trị văn hóa, lịch sử.

TÌM HIỂU THÊM VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Nguy cơ lợi dụng chính sách để “phá rào”

Hiện nay, rất nhiều rừng đặc dụng bị xâm phạm vì các quy định chưa rõ ràng trong Luật Đất Đai, và Luật Đất Đai khẩn thiết cần có quy định rõ ràng hơn để hạn chế sự xâm phạm này chứ không phải “phá rào” pháp lý để sự xâm phạm thuận lợi hơn.

Điều 58 trói buộc các Dự án phải thông qua bước phê duyệt của chính phủ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà rừng đặc dụng cũng nằm trong số đó. Chính phủ đề xuất Quốc hội bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai là chối bỏ trách nhiệm xem xét và phê duyệt cũng như ngăn chặn các sai phạm môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số thành viên của Uỷ ban đánh giá rằng “dự thảo nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia không được xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc đề nghị bãi bỏ quy định của Luật Đất đai tại nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là không phù hợp.” (Theo VnExpress)

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cảnh báo

“Nếu không có nguyên tắc, tiêu chí, định hướng quản lý đi kèm thì có nguy cơ bị lạm dụng chính sách”.

Qủa thật, khi các nguyên tắc, tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững không được quy định rõ ràng, nguy cơ lớn có thể mường tượng đó là quan chức các tỉnh dễ dàng chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Một hàng rào pháp lý để ngăn chặn nguy cơ này cần được quy định chặt chẽ và được giám sát không chỉ bởi chính phủ, các cơ quan chuyên môn trực thuộc trung ương mà còn cả người dân thông qua các hội nhóm dân sự.

Một số quy định khác liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng

Nghị định về chuyển đổi mục đích liên quan đến rừng đặc dụng – Số: 117/2010/NĐ-CP:

Điều 18 – Chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng: 2/ Chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích không phải lâm nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước được duyệt.

Điều 21 – Sử dụng bền vững tài nguyên rừng: 1a/Được khai thác, thu dọn, làm vệ sinh những cây gỗ đã chết, cây gẫy đổ, thực vật rừng trong phân khu dịch vụ hành chính theo quy định của Nhà nước; được tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 4/ Yêu cầu đối với dự án du lịch sinh thái: a) Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường và các chức năng khác của khu rừng; phù hợp với quy hoạch của khu rừng đặc dụng được duyệt. b) Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được xây dựng các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, biển chỉ dẫn phục vụ du lịch sinh thái. c) Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được xây dựng các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, các công trình khác phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng. d) Trong phân khu hành chính, dịch vụ; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được xây dựng các công trình phục vụ cho quản lý, nghiên cứu khoa học và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng.

Luật Đất Đai – Luật số: 45/2013/QH13

Điều 43: Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 1/ Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 của Luật này có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 2/ Hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây: a) Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện; b) Nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án công trình thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; c) Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến. 3/ Cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều 58: 1/Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: 1a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; 1b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Điều 62: Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm: d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Cuộc thi Góp ý sửa đổi Luật Đất Đai – Bổ sung các điều khoản về môi trường và phát triển bền vững – Lần I.2021
Cuộc thi Góp ý sửa đổi Luật Đất Đai – Bổ sung các điều khoản về môi trường và phát triển bền vững – Lần I.2021 – Bảo tồn Bến En (keepbenen.help)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »