Việc cây cối bị mất mát do tác động của con người và tự nhiên – sự sụt giảm diện tích rừng – gây ảnh hưởng tới thiên nhiên hoang dã, các hệ sinh thái, các hiện tượng thời tiết và thậm chí là cả khí hậu.
Khi cả thế giới đi tìm giải pháp làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên hoang dã, và hỗ trợ hàng tỷ người, cây cối chắc chắn đóng một vai trò lớn trong giải pháp này. Nhưng việc phá hủy cây cối trên quy mô lớn – nạn phá rừng – cứ tiếp diễn, hy sinh những lợi ích lâu dài mà cây cối đem lại cho việc thu lợi ngắn hạn.
Rừng vẫn đang che phủ khoảng 30% diện tích đất liền, nhưng lại đang dần biến mất ở mức đáng báo động. Kể từ năm 1990 thế giới đã mất đi 420 triệu hecta hay vào khoảng 1 tỷ acres rừng, theo như Tổ chức nông – lương Hoa Kỳ – đa phần là ở Châu Phi và Nam Mỹ. Khoảng 17% rừng mưa Amazon bị tàn phá trong suốt 50 năm qua, và thiệt hại đang ngày một tăng lên. Tổ chức Bảo tồn Amazon báo cáo rằng nạn phá rừng đã tăng 21% trong năm 2020, diện tích cây biến mất ngang bằng diện tích đất nước Israel.
Chúng ta cần cây cối vì nhiều lý do, nhất là chúng không chỉ hấp thụ lượng CO2 mà ta thở ra, mà còn cả khí nhà kính ủ nhiệt được thải ra bởi hoạt động của con người. Khi những khí đó đi vào tầng khí quyển, nóng lên toàn cầu sẽ gia tăng, xu hướng mà các nhà khoa học hiện nay ưa gọi là biến đổi khí hậu. Chỉ sự che phủ của thực vật nhiệt đới có thể cung cấp 23% giảm thiểu biến đổi khí hậu cần thiết trong suốt thập kỷ tới để đạt được các mục đích đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, theo như một đánh giá.
NGUYÊN NHÂN RỪNG BIẾN MẤT
Các hoạt động trồng trọt, chăn thả gia súc, khai thác mỏ và khoan dầu dẫn tới hơn một nửa diện tích rừng bị biến mất . Số còn lại đến từ các hoạt động lâm nghiệp, cháy rừng, và một phần nhỏ, đô thị hoá . Ở Malaysia và Indonesia, các khu rừng bị đốn hạ để lấy đất trồng cọ làm tinh dầu, thứ có thể tìm thấy một cách phổ biến từ dầu gội cho đến bánh quy mặn. Ở Amazon, gia súc được chăn thả và các trang trại – chủ yếu là những đồn điền đậu tương – lại là thủ phạm chính.
Các hoạt động khai thác gỗ, giúp cung cấp gỗ cho thế giới và các sản phẩm giấy, cũng khiến vô số cây đã phải đổ xuống mỗi năm. Những người đốn gỗ, vài trong số họ hoạt động trái phép, tiến ngày càng sâu vào các khu rừng – gây nên nhiều vụ mất rừng hơn. Rừng rậm bị chặt phá cũng là nguyên nhân từ việc các khu đô thị dần mở rộng khi đất đai được phát triển cho việc xây dựng nhà cửa.
Không phải vụ mất rừng nào cũng là chủ ý. Một vài vụ xảy ra do sự tổng hợp từ các yếu tố con người và thiên nhiên như cháy rừng và chăn thả quá mức, những thứ có thể ngăn trở cây non lớn lên.
VÌ SAO RỪNG LẠI QUAN TRỌNG VÀ CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHỮNG GÌ?
Việc phá rừng không chỉ gây ảnh hưởng tới con người và động vật nơi cây cối bị đốn hạ, mà còn toàn bộ thế giới rộng lớn. Khoảng 250 triệu dân đang sống trong rừng và các vùng thảo nguyên phải dựa vào chúng để sinh sống và kiếm lợi – nhiều người trong số họ sống ở những vùng xa xôi nghèo khó trên thế giới. Trên Trái Đất có 80% động thực vật trên cạn sống trong rừng, và việc sụt giảm diện tích rừng thì đang đe dọa các loài vật như đười ươi, hổ Sumatra và nhiều loài chim. Việc chặt bỏ cây cối làm mất đi các phần tán rừng chuyên chắn tia mặt trời ban ngày và giữ hơi ấm vào ban đêm. Sự phá vỡ ấy gây nên một thay đổi về nhiệt độ cực kỳ khắc nghiệt có thể gây hại tới động thực vật.
Tuy nhiên, hậu quả của việc mất rừng còn đi xa hơn thế. Lấy ví dụ, rừng mưa Nam Mỹ có ảnh hưởng tới chu kỳ nước trong khu vực, thậm chí là cả thế giới, và là nguồn cung cấp nước chính cho các thành phố của Brazil và các nước lân cận. Rừng Amazon thực sự đã giúp cấp nước cho nông dân trồng đậu tương và các chủ trại bò, những người lại đang đi vét sạch rừng. Việc mất đi nước sạch và đa dạng sinh khỏi tất cả các khu rừng có thể gây nên rất nhiều tác động khác mà chúng ta không thể lường trước, thậm chí đến cốc cà phê của bạn cũng bị ảnh hưởng (các giống cà phê hoang dã bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và mất rừng).
Về vấn đề biến đổi khí hậu, việc đốn hạ cây vừa khiến gia tăng lượng carbon dioxide vào không khí lẫn loại bỏ khả năng hấp thụ chính khí đó đang tồn tại. Nếu như so sánh việc mất rừng nhiệt đới với một đất nước, theo như Sở tài nguyên Thế giới, nó sẽ xếp hạng ba trong việc thải khí carbon dioxide, ngay sau Trung Quốc và Mỹ.
Tuy rằng con số nghe chừng ác liệt, nhưng các nhà bảo tồn vẫn tìm những lý do để hy vọng. Một sự chuyển biến đang dần xuất hiện để thực hiện việc bảo tồn hệ sinh thái rừng và khôi phục lại diện tích cây bao phủ đã mất. Các tổ chức và những nhà hoạt động đang đứng lên chống lại việc khai thác mỏ và đốn gỗ trái phép – ví dụ như Nhà thám hiểm của National Geographic, Topher White, đã nảy ra ý tưởng sử dụng những chiếc điện thoại tái chế để dò tiếng máy cưa. Ở Tanzania, người dân thị trấn Kokota đã trồng hơn 2 triệu cây trên hòn đảo nhỏ của họ trong suốt một thập kỷ nhằm bù đắp lại những thiệt hại trước đó. Và ở Brazil, các nhà bảo tồn đã tập hợp lại với nhau để đối đầu trước những dấu hiệu đáng lo ngại từ phía chính phủ rằng họ có thể đẩy lùi những hoạt động bảo vệ rừng.
Đối với người tiêu dùng, thật có lý khi chúng ta kiểm tra các sản phẩm và thịt mà mình mua, và tìm kiếm các nguồn sản xuất bền vững bất kể khi nào có thể. Những tổ chức phi lợi nhuận như Hội đồng quản lý rừng và Liên hiệp Rừng mưa chuyên chứng nhận các sản phẩm mà họ xác định là bền vững, trong khi Quỹ Động vật hoang dã Thế giới có bảng điểm dầu cọ cho các thương hiệu tiêu dùng.
Nguồn: National Geographic
Người dịch: Hien Anh